Với các chuyên gia lâu năm, việc vận hành máy CNC không còn là trở ngại với họ nhưng với người mới bắt đầu tìm hiểu về loại máy này chắc chắn sẽ không khỏi ngỡ ngàng và gặp phải những khó khăn nhất định. Để có thể hiểu rõ hơn về các kiến thức và quy trình vận hành máy CNC, sau đây mời bạn đọc theo dõi bài viết của ATC Machinery.
Vận hành máy CNC là gì?
Vận hành máy CNC (Computer Numerical Control Machine) là quá trình điều khiển máy CNC gia công tự động thông qua các mã lệnh đã được lập trình sẵn trên máy tính. Các mã lệnh này có thể xác định chính xác các chuyển động của máy, bao gồm tốc độ cắt, hướng cắt, và vị trí cắt của dao trên bề mặt phôi, để thực hiện các thao tác gia công trên phôi vật liệu.
Vận hành máy CNC hiện tại đang là ngành nghề nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Tuy nhiên, để vận hành được máy CNC, các kỹ thuật viên cần trang bị một lượng kiến thức về phương pháp gia công CNC nhất định. Đồng thời, quá trình luyện tập và thực hành vận hành máy CNC nhiều lần cũng giúp bạn nâng cao tay nghề và tự tin làm chủ các loại máy CNC, phổ biến nhất là máy tiện CNC và máy phay CNC.
Các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người vận hành máy CNC
Để vận hành máy CNC một cách chính xác và an toàn, người vận hành cần trang bị những kiến thức và kỹ năng sau đây:
KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN
Các kiến thức chuyên môn về máy CNC là rất rộng lớn, trong bài viết này ATC không thể cung cấp hết một lượng lớn kiến thức khổng lồ như vậy. Tuy nhiên, ATC cũng sẽ tổng hợp các kiến thức chuyên môn cơ bản về cách vận hành máy CNC mà bạn cần phải nắm, bao gồm:
1. Hiểu biết về máy CNC là gì:
Các kiến thức cơ bản về máy CNC bạn cần phải nằm lòng bao gồm:
- Các thành phần cấu tạo máy CNC và chức năng của chúng như: Bộ điều khiển, trục chính, bàn máy, động cơ, hệ thống làm mát, hệ thống bôi trơn,…
- Các loại máy CNC phổ biến như: Máy phay CNC, máy tiện CNC, máy cắt dây, máy cắt laser CNC, máy cắt plasma CNC,… và ứng dụng của từng loại.
- Nguyên lý hoạt động của máy CNC bao gồm: Cách máy đọc và thực hiện các lệnh gia công từ chương trình CNC.
2. Kiến thức về gia công CNC
- Các phương pháp gia công CNC như tiện, phay, bào, khoan,…
- Các loại dụng cụ cắt CNC như các loại dao phay CNC, dao tiện CNC và cách lựa chọn dụng cụ phù hợp cho từng loại vật liệu và yêu cầu gia công.
- Các thông số gia công cơ bản bao gồm: tốc độ cắt, lượng chạy dao, chiều sâu cắt,… và cách tính toán, điều chỉnh các thông số này để đạt hiệu quả gia công tốt nhất.
3. Kiến thức về lập trình CNC
- Các hệ thống điều khiển CNC phổ biến như hệ điều hành Fanuc, Siemens, Mitsubishi,…
- Các loại mã lệnh CNC (mã G -Code, mã M-Code và mã lệnh phụ) và ý nghĩa của từng loại mã lệnh.
- Cách viết chương trình gia công CNC đơn giản và các kỹ thuật lập trình nâng cao.
- Sử dụng phần mềm CAD/CAM để thiết kế mô hình 3D và tạo đường chạy dao cho máy CNC.
- Phần mềm mô phỏng gia công CNC để phát hiện những sai sót trong chương trình gia công.
4. Kiến thức về an toàn lao động khi vận hành máy CNC
- Các quy định an toàn khi vận hành máy CNC.
- Cách sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động (kính bảo hộ, găng tay, giày bảo hộ…).
- Cách xử lý các tình huống khẩn cấp (cháy nổ, tai nạn lao động…).
Tham khảo: Các biện pháp an toàn khi sử dụng máy tiện, máy tiện CNC bạn cần nắm rõ
KỸ NĂNG VẬN HÀNH MÁY CNC
Các kỹ năng cần có của một chuyên gia vận hành máy CNC bao gồm:
1. Kỹ năng vận hành máy CNC:
- Khởi động, dừng máy và điều khiển các chức năng cơ bản của máy CNC.
- Các phương pháp gá đặt chi tiết gia công, dụng cụ cắt trên máy CNC.
- Nhập chương trình CNC vào máy và thực hiện quá trình gia công.
- Giám sát quá trình gia công, phát hiện và xử lý các sự cố (gãy dao, kẹt phôi, lệch kích thước,…).
- Kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm sau gia công.
2. Kỹ năng bảo trì máy CNC
- Vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ các bộ phận của máy CNC.
- Kiểm tra và thay thế các linh kiện CNC bị hao mòn hoặc hư hỏng.
- Xử lý các sự cố đơn giản của máy CNC.
Quy trình vận hành máy CNC
Dưới đây, ATC sẽ cung cấp cho bạn cách thức để vận hành máy CNC chi tiết, dựa trên hơn 10 năm kinh nghiệm trong quá trình làm việc trong lĩnh vực này. Hãy lấy giấy bút để lưu lại ngay những thông tin hữu ích này để giúp bạn tự tin hơn trong quá trình đứng máy CNC.
Để vận hành máy CNC cần thực hiện theo quy trình gồm các bước sau:
Bước 1: Thiết kế một mô hình CAD trên máy tính hoặc có thể là một bản vẽ chi tiết mô hình.
Quy trình này bao gồm việc sử dụng phần mềm CAD để tạo ra một bản thiết kế số hóa chính xác. Công đoạn này cung cấp những thông tin cơ sở cho các bước gia công tiếp theo trên máy CNC. Bản vẽ chi tiết này cần bao gồm đầy đủ các thông số kỹ thuật, kích thước và hình dạng của sản phẩm cuối cùng, giúp đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra suôn sẻ và chính xác.
Bước 2: Thực hiện lập trình chương trình gia công cho chi tiết đó.
Để lập trình chương trình gia công cho chi tiết thông qua bản vẽ chi tiết, bạn sử dụng phần mềm CAM (Computer-Aided Manufacturing) để chuyển đổi mô hình CAD thành mã G-code. Đây là ngôn ngữ mà máy CNC có thể hiểu và thực hiện các chuyển động của máy để tạo ra thành phẩm chính xác 100% với bản vẽ.
Quá trình lập trình này bao gồm việc xác định các thông số cắt, đường chạy dao, tốc độ quay và các bước gia công cụ thể để tạo ra chi tiết theo đúng thiết kế. Việc lập trình điều khiển CNC cần đảm bảo độ chính xác và tối ưu hóa để đạt hiệu suất cao nhất trong quá trình gia công.
Bước 3: Chuẩn bị máy CNC và các dụng cụ cần thiết gồm:
Quy trình chuẩn bị này bao gồm:
- Chuẩn bị phôi, đồ gá và các dụng cụ cắt theo chương trình gia công.
- Xác định vị trí của gốc phôi theo chương trình gia công và vị trí dao thích hợp.
- Truyền chương trình vào máy CNC.
Bước 4: Chạy thử chương trình gia công CNC
Trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt, bạn bắt buộc phải thực hiện chạy thử chương trình gia công đã thiệt lập ở trên. Công đoạn này nhằm mục đích để kiểm tra tính chính xác và hiệu quả của quá trình gia công thực tế. Sử dụng các phần mềm mô phỏng gia công CNC để chạy thử chương trình gia công trên không gian ảo. Quá trình này sẽ giúp bạn phát hiện và khắc phục các lỗi kỹ thuật, điều chỉnh các thông số cần thiết và đảm bảo rằng máy CNC sẽ hoạt động đúng theo yêu cầu, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng mong muốn.
Bước 5: Bắt đầu chạy và giám sát hoạt động gia công của máy CNC.
Sau khi đã chạy thử và đảm bảo chương trình gia công hoạt động chính xác, bạn tiến hành gia công trên máy chính thức. Khởi động máy CNC và theo dõi quá trình gia công một cách chặt chẽ để đảm bảo mọi thông số và tiến trình diễn ra theo đúng kế hoạch. Kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề có thể xảy ra, đảm bảo máy hoạt động ổn định và sản phẩm được gia công đạt chất lượng cao nhất. Việc giám sát này cũng giúp tối ưu hóa quy trình và cải thiện hiệu suất sản xuất.
Các bước vận hành máy CNC 3 trục
Máy CNC 3 trục là một trong những loại máy CNC được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng nhất vì tính linh hoạt và hiệu suất cao mang lại. Máy có khả năng gia công các chi tiết phức tạp từ nhiều góc độ khác nhau, phù hợp với nhiều ứng dụng gia công cơ khí khác nhau.
Để vận hành máy CNC 3 trục nhanh chóng và hiệu quả, kỹ thuật viên cần tuân thủ các bước sau đây:
Bước 1: Làm sạch bề mặt chi tiết, đồ gá. Cần kiểm tra và rà gá để đảm bảo chi tiết đạt kích thước đúng yêu cầu sau khi hoàn thành.
Bước 2: Tiến hành lắp đặt dao phù hợp cho quá trình gia công.
Bước 3: Thực hiện Offset dao. Trong đó:
- Offset dao ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác của biên dạng sau khi thực hiện gia công.
- Offset dao có thể sử dụng các thiết bị đo kiểm hoặc dùng trực tiếp dao gia công.
- Sử dụng đầu dò quang để set dao.
– Đối với trục X:
- Đầu dò được di chuyển theo trục X sao cho đầu dò gần chạm mặt của chi tiết.
- Thực hiện giảm tốc độ di chuyển của bàn máy bằng cách sử dụng HANDLE sao cho đầu dò vừa chạm chi tiết. Khi đó đầu dò sẽ phát sáng và tiếng kêu.
- Vị trí tọa độ X Machine sẽ được cập nhật vào bảng Offset (Cần lưu ý bù trừ bán kính đầu dò)
– Đối với trục Y, hãy thực hiện tương tự như trên.
– Đối với trục Z:
Sử dụng đồng hồ so Z cao 50mm:
- Trước tiên đặt đồng hồ lên bề mặt của phôi.
- Tiến hành di chuyển dao vừa chạm mặt đồng hồ rồi hạ xuống từ từ theo phương Z sao cho kim và số 0 trên đồng hồ trùng nhau.
- Lấy tọa độ Z machine, sau đó trừ đi 50mm và nhập vào Offset.
- Thực hiện tương tự cho những loại dao khác.
Lưu ý: Thực hiện nhập bù trừ bán kính dao (nếu có)
Bước 4: Tiến hành kiểm tra dung dịch tưới nguội
Tác dụng của dung dịch tưới nguội là làm giảm lượng nhiệt, độ mài mòn dao và tăng tuổi thọ cho máy. Dung dịch này giúp máy hoạt động hiệu suất cao, lâu dài, chất lượng thành phẩm đúng thiết kế kỹ thuật…
Bước 5: Tiến hành kiểm tra chương trình và nạp chương trình vào máy CNC
Bước 6: Tiến hành chạy máy
Sau khi đã kiểm tra và nạp chương trình vào máy CNC thì chuyển sang chế độ Auto và Bắt đầu chạy bằng Cycle Start. Bạn có thể thực hiện chạy từng dòng lệnh bằng cách sử dụng chức năng Single Block để đảm bảo an toàn cho lần chạy đầu tiên.
Những kinh nghiệm vận hành máy CNC
Trong quá trình vận hành máy CNC, bên cạnh nắm rõ các quy tắc vận hành, các kỹ thuật viên cần lưu ý thêm một số điểm sau đây:
- Chú trọng vấn đề an toàn trong khi vận hành máy CNC.
- Lựa chọn loại máy phù hợp với chi tiết bạn cần gia công.
- Lựa chọn chế độ cắt phù hợp.
- Thường xuyên bảo dưỡng máy CNC để đảm bảo máy luôn hoạt động tốt.
- Quan tâm đến các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến độ chính xác của chi tiết như độ ẩm, bụi bẩn, độ rung lắc…
Vậy sau khi theo dõi bài viết đã giúp các bạn nắm rõ cách vận hành máy CNC để áp dụng trong công việc. Để cập nhật thêm các kiến thức về máy CNC mời bạn theo dõi các bài viết khác tại website này của chúng tôi. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại!
ATC Machinery tự hào là nhà cung cấp máy CNC bao gồm máy tiện CNC, máy phay CNC, máy khoan, máy mài… của các thương hiệu uy tín và nổi tiếng tại Nhật Bản. Chúng tôi có đa dạng mẫu mã với các mức giá khác nhau phục vụ Quý khách hàng. Để biết thêm thông tin chi tiết về các loại máy này mời Quý vị liên hệ đến công ty, nhân viên của ATC Machinery sẽ tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
CÔNG TY TNHH MÁY CÔNG CỤ ATC
– Địa chỉ:
- HCM: 55/4E Tiền Lân 1, Bà Điểm, Hóc Môn
- Hà Nội: Thôn Đìa, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh
– Hotline:
- Tư vấn bán hàng: 0902 419 483
- Hỗ trợ kỹ thuật: 0911 122 122
– Website: https://atcmachinery.com/
– Fanpage: https://www.facebook.com/atcmachinery/