Hệ Thống Tiêu Chuẩn Bản Vẽ Kỹ Thuật Hiện Hành

Hệ thống các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật hiện hành là một quy định không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất và gia công chi tiết. Tuy nhiên, liệu bạn có biết cách sử dụng hệ thống tiêu chuẩn này trong công việc. Trong bài viết này, ATC Machinery sẽ phân tích sâu vào tìm hiểu về hệ thống các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật này, cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.

Bản Vẽ Kỹ Thuật Là Gì

Bản vẽ kỹ thuật là một dạng tài liệu trình bày các thông tin kỹ thuật của sản phẩm dưới dạng các hình vẽ và các kí hiệu theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trong các ngành công nghiệp gia công cơ khí, bản vẽ kỹ thuật được sử dụng để:

  • Truyền tải thông tin: Bản vẽ kỹ thuật mô tả chi tiết hình dạng, kích thước, vật liệu gia công cơ khí, dung sai, yêu cầu kỹ thuật… của chi tiết/sản phẩm một cách chính xác và rõ ràng. Nhờ vậy, các kỹ sư, công nhân và nhà sản xuất có thể hiểu rõ về sản phẩm để chế tạo, lắp ráp, kiểm tra, sử dụng và bảo dưỡng đúng cách.
  • Giao tiếp kỹ thuật: Bản vẽ kỹ thuật là ngôn ngữ chung để các nhà kỹ thuật, nhà thiết kế và nhà sản xuất trao đổi thông tin với nhau về sản phẩm. Nhờ vậy, họ có thể phối hợp nhịp nhàng hiệu quả trong quá trình thiết kế, chế tạo và sử dụng sản phẩm.
  • Lưu trữ thông tin: Bản vẽ kỹ thuật là tài liệu lưu trữ thông tin về sản phẩm một cách lâu dài. Nhờ vậy, các thế hệ sau có thể tham khảo bản vẽ kỹ thuật để hiểu rõ về sản phẩm và sửa chữa, bảo dưỡng sản phẩm khi cần thiết.

Khi nhìn vào một bản vẽ kỹ thuật, không phải ai cũng có thể đọc và áp dụng được chúng vào trong quá trình gia công cơ khí, đặc biệt là gia công bằng các loại máy CNC. Chính vì vậy, các quy định và tiêu chí bản vẽ kỹ thuật ra đời để đảm bảo tính chính xác, đồng nhất và dễ dàng hiểu được. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này đồng nghĩa với việc mọi người đều tuân thủ cùng một cách tiếp cận và phong cách trong việc tạo ra và sử dụng bản vẽ. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong việc trao đổi thông tin giữa các bên liên quan.

Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật
Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật

Ngoài ra, các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật cơ khí còn là nền tảng vững chắc cho những người mới vào nghề cũng như các chuyên gia có thể dễ dàng hòa nhập và chia sẻ thông tin với nhau, tạo ra một môi trường làm việc tích cực và phát triển trong ngành cơ khí.

Vai Trò Của Các Tiêu Chuẩn Bản Vẽ Kỹ Thuật Cơ Khí

Ngày nay có thể khẳng định rằng các chi tiết, sản phẩm đều được sản xuất dựa trên bản vẽ kỹ thuật của chúng. Chính vì vậy, việc tuân thủ các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng cường hợp tác và góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp. Vai trò của các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật cơ khí bao gồm:

  • Cung cấp một ngôn ngữ chung giữa các kỹ sư, thiết kế viên và công nhân.
  • Giúp đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thiết kế và sản xuất.
  • Các chi tiết và yêu cầu được thực hiện đúng theo yêu cầu, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và hiệu suất hoạt động.

Đọc thêm: Hệ Thống Toàn Diện Về Các Ký Hiệu Trong Bản Vẽ Cơ Khí

Hệ Thống Tiêu Chuẩn Bản Vẽ Kỹ Thuật Hiện Hành

Hệ thống các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác và đồng nhất trong quá trình thiết kế và sản xuất của các sản phẩm cơ khí. Hệ thống các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật hiện hành là tập hợp các quy định và nguyên tắc được thiết lập để hướng dẫn việc thiết kế và sử dụng các bản vẽ kỹ thuật một cách hiệu quả.

Dưới đây là một số tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật phổ biến:

Phép chiếu

Trong một bản vẽ cơ khí, các kỹ sư thường sử dụng hình chiếu, hình cắt và mặt cắt của sản phẩm để biểu diễn hình dạng và kích thước của sản phẩm thông qua các phép chiếu. Phép chiếu là phương pháp để thể hiện hình dạng ba chiều của vật thể lên mặt phẳng hai chiều của bản vẽ gọi là hình chiếu của vật thể đó. Nói cách khác, hình chiếu giống như một cái bóng của vật thể trên bản vẽ, cung cấp cái nhìn chi tiết về hình dạng và kích thước của sản phẩm.

Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật về phép chiếu
Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật về phép chiếu

Để thực hiện được phép chiếu thu về các hình chiếu của vật thể. Một phép chiếu bao gồm những thành phần chính sau đây:

  • Tâm chiếu: là một điểm trên không gian chiếu mà qua đó các tia chiếu tạo thành hình chiếu của các điểm trên vật thể.
  • Mặt phẳng chiếu: là mặt phẳng chứa đựng hình chiếu của vật thể
  • Tia chiếu: là các đường thẳng ảo được vẽ từ tâm chiếu đến các điểm trên vật thể trên mặt phẳng chiếu

Các phép chiếu thường được áp dụng trong bản vẽ kỹ thuật cơ khí bao gồm:

  • Phép chiếu xuyên tâm: Trong phép chiếu này, chúng ta chọn một tâm chiếu và vẽ các tia chiếu xuất phát từ tâm chiếu đến các điểm trên vật thể. Khi các tia chiếu gặp mặt phẳng chiếu, chúng sẽ cắt mặt phẳng đó và tạo ra hình chiếu của các điểm trên vật thể. Phép chiếu xuyên tâm cung cấp cái nhìn tổng quan về cấu trúc và các chi tiết bên trong của vật thể, từ đó giúp người đọc hiểu được cách sản phẩm hoạt động và tương tác với các phần khác.
  • Phép chiếu song song: Trong phép chiếu này, các tia chiếu được vẽ từ các điểm trên vật thể đến mặt phẳng chiếu một cách song song với nhau. Việc sử dụng phép chiếu song song thường được áp dụng khi muốn hiển thị vật thể từ một góc nhìn cụ thể, hoặc khi muốn tập trung vào một phần của sản phẩm mà không cần phải hiển thị toàn bộ vật thể.

Trên bản vẽ cơ khí, chúng ta thường thấy có ít nhất 2 đến 3 các hình chiếu biểu diễn bằng phép chiếu vuông góc. Vì phép chiếu vuông góc được sử dụng để mô tả hình dạng và kích thước của sản phẩm một cách rõ ràng và dễ hiểu từ một góc nhìn cố định. Để có thể hiểu và gia công chính xác một sản phẩm thì sản phẩm phẩm nên được xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Quy định về cách sắp xếp các hình chiếu trên bản vẽ kỹ thuật

Trong một bản vẽ kỹ thuật thường sử dụng ba loại hình chiếu chính để thể hiện đầy đủ hình dạng ba chiều của vật thể:

  • Hình chiếu đứng: Thể hiện mặt trước của vật thể, các tia chiếu vuông góc với mặt phẳng bản vẽ.
  • Hình chiếu cạnh: Thể hiện mặt bên của vật thể, các tia chiếu vuông góc với cả mặt phẳng hình chiếu đứng và mặt phẳng hình chiếu ngang.
  • Hình chiếu bằng: Thể hiện mặt trên của vật thể, vuông góc với mặt phẳng bản vẽ và song song với hình chiếu đứng.
Các loại hình chiếu thông dụng trong bản vẽ cơ khí
Các loại hình chiếu thông dụng trong bản vẽ cơ khí

Trên bản vẽ cơ khí, mỗi hình chiếu trên bản vẽ kỹ thuật đều có một vị trí xác định, mục đích là tạo ra một bản vẽ dễ đọc và hiểu. Hình chiếu cạnh được đặt ở bên phải và ngang với hình chiếu đứng. Trong khi đó, hình chiếu bằng đặt dưới hình chiếu đứng. Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật này không chỉ giúp tạo ra sự đồng nhất và cân đối cho bản vẽ cơ khí, mà còn đảm bảo tính chính xác trong trình bày thông tin.

Cách sắp xếp các hình chiếu trên bản vẽ kỹ thuật
Cách sắp xếp các hình chiếu trên bản vẽ kỹ thuật

Đường nét

Dựa trên ý nghĩa và mục đích sử dụng, các đường nét trên bản vẽ kỹ thuật được phân thành các loại chính sau:

  • Đường nét liền đậm: Dùng để thể hiện đường viền, đường bao, đường trục, đường tâm, đường giới hạn mặt cắt,… của vật thể. Độ rộng của đường nét liền thường là 0,5 – 1,4 mm.
  • Nét liền mảnh: Dụng để vẽ các đường kích thước, đường trục kích thước và các đường phụ trợ liên quan đến kích thước.
  • Đường nét đứt: Dùng để thể hiện các đường ẩn, các đường cắt, các đường giới hạn không nhìn thấy,… Độ rộng của đường nét đứt thường là 2 – 8 mm.
  • Đường nét gạch dài – chấm – mảnh: Dùng để thể hiện đường tâm, đường trục đối xứng. Độ rộng của nét gạch dài thường là 5 – 30 mm, độ rộng của nét chấm và nét mảnh thường là 0,25 – 0,45 mm.
  • Nét cắt: Nét cắt thường được vẽ bằng nét liền mảnh, có độ rộng 0,25 – 0,45 mm. Là một loại đường nét được sử dụng trong bản vẽ kỹ thuật để thể hiện mặt cắt ngang hoặc mặt cắt dọc của vật thể.
Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật về đường nét
Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật về đường nét

Quy định về đường nét trên bản vẽ kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin thiết kế một cách chính xác, rõ ràng và hiệu quả. Việc tuân thủ quy định này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các kỹ sư, nhà thiết kế và kỹ thuật viên, góp phần nâng cao chất lượng bản vẽ và hiệu quả công việc.

Các loại đường nét vẽ trong bản vẽ kỹ thuật
Các loại đường nét vẽ trong bản vẽ kỹ thuật

Tỷ lệ của bản vẽ

Tỷ lệ bản vẽ kỹ thuật là tỷ số giữa kích thước của hình ảnh thể hiện trên bản vẽ và kích thước thực tế của vật thể. Nó được thể hiện dưới dạng phân số hoặc tỷ lệ phần trăm. Ví dụ, tỷ lệ 1:2 nghĩa là kích thước của hình ảnh trên bản vẽ nhỏ hơn hai lần kích thước thực tế của vật thể.

Các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật Việt Nam quy định ba loại tỷ lệ chính:

  • Tỷ lệ thu nhỏ: Khi kích thước hình chiếu trên bản vẽ nhỏ hơn kích thước thực tế của vật thể. Các tỷ lệ thu nhỏ phổ biến bao gồm 1:2, 1:5, 1:10, 1:20, 1:50, 1:100,…
  • Tỷ lệ nguyên hình: Khi kích thước hình ảnh trên bản vẽ bằng kích thước thực tế của vật thể. Tỷ lệ nguyên hình thường được sử dụng cho các chi tiết có kích thước nhỏ hoặc các bản vẽ cần thể hiện chi tiết cao.
  • Tỷ lệ phóng to: Khi kích thước hình ảnh trên bản vẽ lớn hơn kích thước thực tế của vật thể. Tỷ lệ phóng to thường được sử dụng cho các chi tiết cần thể hiện rõ ràng hoặc các bản vẽ cần diễn giải chi tiết. Các tỷ lệ phóng to phổ biến bao gồm 2:1; 2,5:1; 4:1; 5:1; 10:1; …

Khi lựa chọn tỷ lệ của bản vẽ kỹ thuật, điều quan trọng là phải xem xét đến mức độ chi tiết cần thiết và khả năng hiển thị của sản phẩm. Tỷ lệ lớn hơn như 1:1 hoặc 1:2 thường được ưa chuộng nếu muốn mô tả chi tiết nhỏ, trong khi tỷ lệ nhỏ hơn như 1:5 hoặc 1:10 thích hợp cho việc hiển thị toàn bộ sản phẩm trong một không gian nhỏ hơn.

Tóm lại khi chọn tỷ lệ của bản vẽ kỹ thuật, cần cân nhắc đến khả năng hiển thị, sử dụng giấy, quy chuẩn ngành và mục đích sử dụng. Tỷ lệ phải phản ánh đúng mức độ chi tiết cần thiết và phù hợp với mục đích sử dụng của bản vẽ.

Xem thêm: Các cấp độ chính xác gia công cơ khí và những thông tin quan trọng bạn cần nắm

Khung vẽ

Trong tất cả các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật thì khung của bản vẽ là một trong những tiêu chuẩn vẽ kỹ thuật đơn giản và dễ thực hiện nhất. Để vẽ khung cho bản vẽ bạn sử dụng đường nét liền đậm, cách mép trái của tờ giấy một khoảng 20 -25 mm và các mép còn lại của giấy vẽ một đoạn bằng 5 mm. Điều này giúp thuận tiện trong việc in ấn bản vẽ cơ khí đảm bảo đầy đủ các thông tin trên bản vẽ.

Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật về khung vẽ
Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật về khung vẽ

Việc lựa chọn loại giấy phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra bản vẽ kỹ thuật chất lượng, đảm bảo tính chính xác, bền đẹp và hiệu quả sử dụng. Một số loại giấy phổ biến được sử dụng cho bản vẽ kỹ thuật là giấy A0, A1, A2, A3, A4.

Khung tên

Khung tên bản vẽ kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện thông tin thiết kế một cách chính xác, đầy đủ và dễ hiểu. Nó là phần không thể thiếu của một bản vẽ kỹ thuật hoàn chỉnh, giúp người đọc nắm bắt được các thông tin cơ bản về bản vẽ như tên gọi, nguồn gốc, tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật áp dụng,… Khung tên được đặt ở góc dưới bên phải của bản vẽ, cách mép phải 10 mm, cách mép dưới 5 mm.

Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật về khung tên
Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật về khung tên

Cách ghi kích thước

Kích thước là yếu tố quan trọng trong bản vẽ kỹ thuật, thể hiện kích thước và hình dạng chính xác của chi tiết. Việc ghi kích thước đúng theo tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật đóng vai trò then chốt trong việc truyền tải thông tin thiết kế một cách rõ ràng, hiệu quả và tránh hiểu lầm. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách ghi kích thước trong Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật Việt Nam (TCVN):

Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật về cách ghi kích thước
Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật về cách ghi kích thước
  • Kích thước phải được ghi rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu. Nên sử dụng chữ số đứng, cao 2.5 – 3.5 mm, nét liền mảnh.
  • Kích thước phải được ghi theo đơn vị đo lường thống nhất. Theo quy định, đơn vị đo lường được sử dụng trong bản vẽ kỹ thuật là milimet (mm).
  • Mỗi kích thước chỉ được ghi một lần trên bản vẽ. Tránh ghi kích thước trùng lặp hoặc dư thừa.
  • Kích thước phải được ghi sao cho người đọc có thể đọc được từ mọi hướng. Nên ưu tiên ghi kích thước song song với cạnh hoặc song song với trục đối xứng của chi tiết.
  • Kích thước phải được đặt cách đường nét kích thước một khoảng thích hợp. Khoảng cách này thường là 6 – 10 mm.
  • Nên sử dụng mũi tên để chỉ rõ hướng đo kích thước. Mũi tên có độ dài khoảng 1 – 2,5 mm và được vẽ nghiêng 45 độ so với đường nét kích thước.

Một số trường hợp ghi kích thước đặc biệt trong bản vẽ cơ khí

Vị trí của giá trị kích thước theo đường kích thước
Vị trí của giá trị kích thước theo đường kích thước
Cách ghi giá trị kích thước vát mép
Cách ghi giá trị kích thước vát mép
Cách ghi giá trị kích thước và bề dày của chi tiết trong bản vẽ kỹ thuật
Cách ghi giá trị kích thước và bề dày của chi tiết trong bản vẽ kỹ thuật

Ký hiệu độ nhám bề mặt

Độ nhám bề mặt là mức độ gồ ghề, lồi lõm của bề mặt vật liệu sau khi gia công. Độ nhám càng nhỏ, bề mặt càng mịn và phẳng. Độ nhám được đo bằng đơn vị micromet (µm) và được thể hiện trên bản vẽ kỹ thuật thông qua hệ thống ký hiệu. Hai tiêu chí cơ bản để đánh giá độ nhám bề mặt của chi tiết đó là Ra và Rz. Trong đó:

  • Ra (µm): là giá trị trung bình của độ lệch tuyệt đối của profile bề mặt.
  • Rz (µm): Chiều cao nhấp nhô trung bình của 10 điểm.
Các cấp độ nhẵn bề mặt
Các cấp độ nhẵn bề mặt

Dựa vào hình ảnh minh họa dưới đây để xác định cách ký hiệu độ nhám bề mặt trong bản vẽ kỹ thuật cơ khí:

Các ký hiệu độ nhám bề mặt trong bản vẽ kỹ thuật
Các ký hiệu độ nhám bề mặt trong bản vẽ kỹ thuật
  • Nếu trong bản vẽ kỹ thuật cơ khí chỉ có 1 giá trị Ra hay Rz thì dùng kí hiệu độ nhám bề mặt không có dấu gạch ngang để thể hiện độ nhám bề mặt cho chi tiết.
  • Nếu bản vẽ kỹ thuật cơ khí không ghi rõ phương pháp gia công cơ khí cụ thể, thì sử dụng ký hiệu độ nhám bề mặt như hình vẽ a.
  • Nếu chi tiết, sản phẩm trong bản vẽ cơ khí được gia công theo phương pháp cắt gọt loại bỏ đi lớp vật liệu thừa, thì sử dụng ký hiệu độ nhám bề mặt như hình vẽ b.
  • Nếu chi tiết, sản phẩm trong bản vẽ cơ khí được gia công theo phương pháp cắt gọt không gia công thêm, thì sử dụng ký hiệu độ nhám bề mặt như hình vẽ c.

Một số ký hiệu độ nhám bề mặt trong bản vẽ cơ khí:

Cách ghi độ nhám bề mặt các chi tiết có cùng độ nhám
Cách ghi độ nhám bề mặt các chi tiết có cùng độ nhám
Cách ghi độ nhám bề mặt khi phần lớn chi tiết có cùng độ nhám
Cách ghi độ nhám bề mặt khi phần lớn chi tiết có cùng độ nhám
Cách ghi độ nhám bề mặt khi phần lớn bề mặt giữ nguyên
Cách ghi độ nhám bề mặt khi phần lớn bề mặt giữ nguyên

Cách đọc bản vẽ kỹ thuật

Trình tự đọc bản vẽ kỹ thuật như sau:

  • Đọc khung tên của bản vẽ trước, để nắm các thông tin tổng quan của bản vẽ.
  • Xác định các loại hình chiếu của bản vẽ.
  • Lần lược phân tích các hình chiếu trong bản vẽ kỹ thuật để nắm được hình dạng cũng như thông số của chi tiết.
  • Phân tích mặt cắt.
  • Đọc độ nhám bề mặt của chi tiết để xác định độ chính xác chuẩn cần phải đạt được.

Đọc thêm: Cách Đọc Bản Vẽ Cơ Khí Đơn Giản Chỉ Trong 5 Phút

Lưu Ý Khi Áp Dụng Tiêu Chuẩn Bản Vẽ Kỹ Thuật

Một số lưu ý quan trọng bạn cần tập trung khi áp dụng các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật trong quá trình thiết kế và gia công:

Nắm vững các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật hiện hành

Bước đầu tiên và quan trọng nhất là trang bị kiến thức đầy đủ về các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuât được áp dụng trong lĩnh vực hoạt động. Việc tham khảo tài liệu chính thức, cập nhật những thay đổi mới nhất và tham gia các khóa đào tạo chuyên môn là điều cần thiết để đảm bảo hiểu biết đầy đủ và chính xác về các quy định.

Sử dụng đồng nhất hệ thống ký hiệu và quy ước

Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật quy định chi tiết về hệ thống ký hiệu, đường nét, chữ viết, kích thước, cách ghi chú,… cho bản vẽ kỹ thuật. Việc sử dụng thống nhất hệ thống này giúp bản vẽ dễ đọc, dễ hiểu, tránh nhầm lẫn và đảm bảo tính chính xác trong truyền đạt thông tin.

Chọn tỷ lệ bản vẽ phù hợp

Tỷ lệ bản vẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện kích thước và chi tiết của vật thể trên bản vẽ. Lựa chọn tỷ lệ phù hợp giúp đảm bảo tính chính xác và dễ dàng thao tác trong quá trình thiết kế, thi công và sản xuất.

Ghi chú đầy đủ và chính xác

Chú thích là phần không thể thiếu trong bản vẽ kỹ thuật, cung cấp thông tin bổ sung về vật liệu, dung sai, quy trình gia công cơ khí chính xác,… Ghi chú cần đầy đủ, rõ ràng, súc tích và chính xác để đảm bảo người đọc hiểu đúng ý đồ thiết kế.

Kiểm tra kỹ lưỡng trước khi hoàn thiện

Trước khi hoàn thiện bản vẽ, cần kiểm tra kỹ lưỡng về độ chính xác của các thông tin, bao gồm kích thước, hình chiếu, ký hiệu, chú thích,… Việc kiểm tra kỹ lưỡng giúp phát hiện và sửa chữa kịp thời những sai sót, đảm bảo chất lượng bản vẽ và tránh lãng phí thời gian, công sức trong quá trình thi công.

Tham khảo ý kiến chuyên gia khi cần thiết

Đối với những bản vẽ kỹ thuật phức tạp hoặc liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn, việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan là giải pháp hữu ích để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả của bản vẽ.

Áp dụng đúng hệ thống các tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật là một yêu cầu thiết yếu trong lĩnh vực kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng bản vẽ, đảm bảo tính chính xác trong truyền thông tin và thúc đẩy hiệu quả trong công việc. ATC Machinery hy vọng thông qua bài viết này bạn đã nắm vững được những tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật và có thể áp dụng chính xác vào công việc của bạn.

4.9/5 - (16 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *